Anh kể: Tổ chức của anh mới thành lập được một năm và là tổ chức không thành lập theo Luật Doanh nghiệp nên vẫn phải mua hóa đơn tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiểm (Hà Nội). Do giám đốc đi vắng nên anh được cử đi mua hóa đơn. Dù đã đọc quy định về thủ tục mua in hóa đơn tại Thông tư 39 của Bộ Tài chính nhưng rốt cuộc anh vẫn phải về tay không. Nguyên do là vì cách hiểu về thủ tục mua hóa đơn của anh không giống như cách hiểu của cán bộ thuế, mà chủ yếu nằm ở tờ giấy ủy quyền. Để phần nào hiểu được sự bức xúc của anh, tôi lần giở văn bản liên quan (Thông tư 39) để xem. Trong mục mua hóa đơn của cơ quan thuế, Thông tư 39 có quy định như sau: “Người mua hoá đơn (người có tên trong đơn hoặc người được doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, chủ hộ kinh doanh uỷ quyền bằng giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật) phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về giấy chứng minh nhân dân”. Tôi đọc đoạn này cho anh nghe và giải thích: “Anh không phải là người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp thì đi mua hóa đơn phải có giấy ủy quyền. Cán bộ thuế yêu cầu vậy là đúng còn thắc mắc gì”. Anh không chịu và lớn tiếng: “Hãy mở mẫu Đơn đề nghị mua hóa đơn ra và đọc mục số 9 đi”. Và đây là nguyên văn mục số 9 trong mẫu Đơn đề nghị mua hóa đơn do Bộ Tài chính ban hành: Anh chỉ vào dòng chữ in nghiêng trong dấu ngoặc đơn: “Ở đây, Bộ Tài chính chỉ quy định nếu chủ hộ kinh doanh ủy quyền cho người khác thì phải kèm giấy ủy quyền, đâu có quy định cho tổ chức hay doanh nghiệp phải làm vậy. Trong mẫu đơn có quy định ghi cả tên Người đại diện theo pháp luật và tên người mua hóa đơn. Nếu người đại diện theo pháp luật phải trực tiếp mua hóa đơn thì đưa tên người mua vào làm gì cho trùng lặp, tốn giấy mực. Nếu người đại diện theo pháp luật không phải là người mua hóa đơn thì sao cái đơn đề nghị mua hóa đơn này lại không dùng luôn làm giấy ủy quyền mà lại sinh thêm một loại giấy tờ nữa trong khi mọi thông tin, mọi trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp đều là một, trên cả giấy ủy quyền và đơn mua ? ”. “Có lý, rất có lý”, tôi biểu đồng tình với ý kiến của anh. Tiếp tục đà phân tích, anh nói: “ Nếu nói rằng phải có giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật thì cũng có chuyện đây. Hiện nay, không có mẫu về giấy ủy quyền, kể cả trong Thông tư 39 của Bộ Tài chính, nhưng có thể hiểu nội dung là phải có đầy đủ thông tin về nhân thân của người ủy quyền và người được ủy quyền, phải có thông tin về nội dung, giới hạn và thời gian về công việc được ủy quyền. Tuy nhiên, rắc rối ở chỗ là chưa có quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền xác nhận giấy ủy quyền. Nếu tổ chức, doanh nghiệp ký giấy ủy quyền mà không cần chứng thực của cơ quan tư pháp hoặc cơ quan công quyền thì Giấy ủy quyền và Đơn đề nghị mua hóa đơn đâu có gì khác nhau mà phải sinh ra 2 loại giấy tờ ?”, anh nhắc lại ý đã thắc mắc và lại tiếp tục: “Nếu là hộ kinh doanh không có dấu tròn thì sẽ rắc rối nữa. Chủ Hộ kinh doanh sẽ phải cùng người được ủy quyền đến UBND phường, xã để xin chứng thực giấy ủy quyền. Tuy nhiên, nhiều UBND xã, phường từ chối vì không có thẩm quyền xác nhận Giấy ủy quyền, song cũng nhiều UBND xã, phường vẫn xác nhận vì căn cứ quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP, Điều 5, khoản 2, điểm b là UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt (chỉ chứng thực chữ ký mà không quan tâm tới nội dung văn bản). Để được chứng thực, chủ Hộ kinh doanh và người được ủy quyền phải mất ít nhất một buổi (sáng hoặc chiều) vì nhân viên văn phòng UBND sẽ yêu cầu phải ký “tươi” trước mặt họ. Không may mà ông, bà Phó Chủ tịch ký giấy đi vắng là mất thêm thời gian nữa. Thời gian chờ đợi này không biết có được ngành Thuế tính đếm trong mấy trăm giờ về thủ tục hành chính thuế hay không ?”. Ngắt mạch bức xúc của anh, tôi an ủi: “Thôi mà, biết là chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh bận làm ăn nên cơ quan thuế đã có quy định về ủy quyền rồi còn gì. Mỗi tháng mất có một ngày (nửa ngày đi chứng thực chữ ký, nửa ngày đi mua hóa đơn) thì đâu có nhằm nhò gì ”. Lời an ủi đó đột nhiên khiến cho anh thêm nhiều lời: “Thử tính xem, nếu mỗi hộ kinh doanh mất một ngày mỗi tháng thì mấy trăm ngàn hộ mất bao nhiêu thời gian để mua hóa đơn trong một năm ? Và UBND xã, phường tốn bao nhiêu thời gian để ký chứng thực chữ ký ?”. Anh thở dài và xuống giọng chốt hạ: “Sự lạc điệu do Trống đánh xuôi (Thông tư 39, Điều 12, khoản 2), Kèn thổi ngược (Phụ lục Thông tư 39) chẳng những đã làm khó cho người kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế mà còn biến cán bộ thuế trở thành những người “chỉ biết làm theo quy định” mà không thể giải thích có lý, có tình cho người thắc mắc. Sao cơ quan thuế không cắt giảm thủ tục mua hóa đơn cho gọn nhẹ bằng cách nhập đơn và giấy ủy quyền làm một mà chỉ cần bổ sung 3 chữ “được ủy quyền” vào mục số 9 của đơn ? Những điều chỉnh đó thật là nhỏ nhoi với cơ quan thuế nhưng cộng lại sẽ là thuận lợi lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh”. Rất tán thưởng, tôi động viên anh và cũng là để nói về suy nghĩ của mình: “Yên tâm lớn đi, những nhà nghiên cứu chính sách thuế chắc đã thấy, chắc đã tính để cắt cơn bức xúc của anh rồi. Cứ chờ xem, cơ quan thuế đang quyết tâm cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính về thuế mà”./. |
TIN TỨC > Tin nội bộ >