Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online,
ông Trần Anh Huy, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Huy, chuyên sản
xuất nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại TPHCM cho rằng, quy định
về số vốn để được in hóa đơn như đề xuất của Bộ Tài chính là cứng nhắc.
Bởi vốn điều lệ là yếu tố không quan trọng, không quyết định về mức độ
sử dụng hóa đơn.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp có số vốn điều lệ vài tỉ đồng nhưng kinh doanh thương mại, mua đi bán lại hàng hóa liên tục nên sử dụng hóa đơn nhiều. Bên cạnh đó, quy định trên 15 tỉ đồng mới được tự in hóa đơn không giải quyết được tình trạng hóa đơn khống, hóa đơn ma như đã xảy ra và làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, mong muốn khởi nghiệp từ quy mô nhỏ. Ông Huy cho rằng, chỉ nên quy định những doanh nghiệp mới thành lập, thường xuyên thay đổi địa điểm cần được cơ quan thuế xác nhận trước khi in hóa đơn hoặc mua hóa đơn từ cơ quan thuế. “Làm như vậy thì tất nhiên là tốn thời gian, nhân lực đi mua hóa đơn”, ông Huy nhận xét. Tuy nhiên, là doanh nghiệp từng bị một đối tác xuất hóa đơn “ma” và bị cơ quan thuế yêu cầu giải trình, ông Huy cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng hóa đơn "ma", bảo vệ doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng như cơ quan thuế có thể kiểm soát được tình hình, việc cần làm là phải có một trung tâm thông tin, trong đó lưu trữ tất cả các dữ liệu về doanh nghiệp. Có được vậy, khi cần kiểm tra, đối chứng thông tin, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu và tránh bị lừa. Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn, doanh nghiệp đã có nhiều năm trong lĩnh vực in hóa đơn, nêu quan điểm, đề xuất quản lý mới mà Bộ Tài chính trình Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mới thành lập nói chung, không phát huy được hiệu quả. Bởi theo ông Linh, những doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn như Bộ Tài chính phát hiện là con số nhỏ. “Theo tôi biết, những người bán hóa đơn thường lấy tên doanh nghiệp khác để cơ quan chức năng không thể tìm ra. Việc gom tất cả doanh nghiệp để quản lý là khiến nhiều công ty vạ lây”, ông Linh nêu ý kiến. Cũng theo ông Linh, việc phải mua hóa đơn từ cơ quan thuế với mẫu chung, không có đặc thù và thông tin riêng của doanh nghiệp, có thể phản tác dụng khi việc làm giả còn dễ hơn. Thực tế đã diễn ra như vậy khi tình trạng mua bán hóa đơn giả đã xảy ra rất lâu, từ thời doanh nghiệp phải mua hóa đơn của cơ quan thuế, chưa thực hiện tự in hóa đơn như Nghị định 51 quy định. “Tôi nghĩ rằng, hóa đơn do doanh nghiệp đặt in, tự in có tên mình, logo của mình trên đó thì sẽ giữ chặt, quản chặt hơn”, ông Linh nói. Đề xuất siết chặt việc in hóa đơn của doanh nghiệp mới thành lập được ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nêu ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của bộ này hôm 10-10. Theo ông Tuấn, Chính phủ đồng ý sửa đổi nhanh Nghị định 51 theo hướng phân loại doanh nghiệp có vốn trên 15 tỉ đồng cho phép tự in. Những doanh nghiệp thương mại, thường xuyên thay đổi địa chỉ thì trong 1 năm đầu cơ quan thuế địa phương sẽ in hóa đơn bán cho doanh nghiệp. Sở dĩ có đề xuất này, theo ông Tuấn là do có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định thông thoáng cho phép thành lập doanh nghiệp mới để tự in hóa đơn nhằm chiếm đoạt thuế. Cơ quan thuế thấy thời gian qua, có doanh nghiệp sau khi thành lập và tự in hóa đơn ngay tháng đầu tiên đã bỏ trốn luôn. Trước thông tin này, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo nghị định mới sửa đổi Nghị định 51 trên website của bộ để lấy ý kiến đóng góp nhưng không có đề xuất kể trên. Theo dự thảo đăng tải hôm 25-9, đối tượng được tự in hóa đơn là tổ chức đáp ứng các điều kiện về mã số thuế, doanh thu bán hàng… và có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in và được sự chấp thuận cơ quan thuế. Dự thảo loại bỏ đối tượng cá nhân như đã quy định trong quy định hiện hành. |
TIN TỨC > Tin nội bộ >