Các công ty thành lập mới có vốn điều lệ dưới 15 tỉ đồng có khả năng sẽ trở lại cảnh phải đến cơ quan thuế xếp hàng xin mua hóa đơn.
Nghị định 51/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2011 được xem là bước đột phá trong quản lý thuế khi cho phép doanh nghiệp (DN) tự tạo, tự in, đặt in hóa đơn. Qua đó, DN không phải chầu chực ở cơ quan thuế mua hóa đơn, chờ đóng dấu, vào số... tốn kém thời gian, công sức như trước. Thế nhưng, mới đây Bộ Tài chính đã có dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 51 và dự thảo Thông tư 153 về việc cho phép DN tự in hóa đơn theo hướng DN dưới 15 tỉ đồng vốn điều lệ phải đến cơ quan thuế mua hóa đơn trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, sau đó sẽ được xem xét có được tự in hóa đơn hay không. Lý do của việc sửa đổi này, theo Tổng cục Thuế, là do tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, sử dụng hóa đơn sai luật ngày càng diễn biến phức tạp từ khi DN tự chủ in hóa đơn. Nghị định 51 sửa đổi nếu được Chính phủ thông qua thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trong hàng trăm ngàn DN ở VN, đối tượng gian lận thuế chỉ chiếm một phần nhỏ, phần lớn còn lại là những DN hoạt động đàng hoàng. Buộc DN mua hóa đơn để tránh gian lận thuế là biện pháp không khả thi. Trong thời gian cơ quan thuế bán hóa đơn trước đây, chuyện gian lận thuế vẫn xảy ra. Nếu chính sách dễ bị lợi dụng, thì ngành thuế phải tìm cách hoàn thiện nhằm quản lý tốt, tăng chế tài chứ không thể đi thụt lùi như vậy. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) VN, cả nước hiện có 570.000 DNNVV đăng ký nhưng hiện còn khoảng 420.000 DN hoạt động, trong đó số DN có vốn điều lệ dưới 15 tỉ đồng chiếm 60 - 70%. Các DNNVV sử dụng tới 51% lao động xã hội, đóng góp hơn 40% GDP, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 25% tổng kim ngạch cả nước, chiếm 30% tổng thu ngân sách... nên đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. “Quy định DN có vốn dưới 15 tỉ đồng phải mua hóa đơn là chưa phù hợp thực tế. Nên chăng, DN nào sử dụng ít hóa đơn thì có thể mua, còn DN nào dùng nhiều thì tự in. Nghĩa là DN có sự chọn lựa mua hay tự in hóa đơn để dùng. Còn không phải DN nhỏ mới gian lận thuế, DN lớn thì không”, TS Kiêm nhìn nhận. Ông Nguyễn Tự Anh, Giám đốc Công ty thương mại - dịch vụ - du lịch Nexus, cũng kiến nghị không nên quy định cứng buộc DN có vốn điều lệ dưới 15 tỉ đồng phải mua hóa đơn. “Những DN mới đi vào hoạt động vốn có nhiều việc phải làm, nhưng thêm thủ tục mua hóa đơn khiến họ mất thời gian, thay vì chỉ thiết kế mẫu rồi chờ cơ quan thuế duyệt là có thể in hóa đơn đưa vào sử dụng. Theo tôi, cơ quan thuế nên căn cứ vào tần suất sử dụng hóa đơn của DN mà quyết định được tự in hay mua. Nếu sử dụng ít, có thể mua, còn nhiều thì tự in. Không nên xác định giới hạn dưới 15 tỉ đồng”, ông Anh nói. Chính sách “phân biệt đối xử” Không chỉ “chưa phù hợp thực tế”, theo luật sư Xoa, quy định trên cũng không ngăn được tình trạng gian lận thuế. “Quy định này rất dễ bị đối phó khi DN đăng ký kinh doanh với mức vốn vừa đủ vượt qua 15 tỉ đồng là có thể được tự in hóa đơn, tiếp tục gian lận nếu có chủ đích kinh doanh không tốt”, luật sư Xoa phân tích. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định cho phép DN tự in hóa đơn là chính sách đúng, còn để hạn chế tình trạng gian lận thuế thì cơ quan thuế phải có biện pháp ngăn chặn, phạt nặng người sử dụng hóa đơn phạm luật. “Chúng ta không thể dùng biện pháp có tính chất phân biệt đối xử là cho DN có vốn lớn được tự in còn DN vốn nhỏ phải mua hóa đơn. Điều này không phù hợp với chính sách phát triển DN”, ông Sơn nói. Bình luận về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Kinh tế VN, cho rằng việc cơ quan quản lý nhà nước nay có quy định này, mai có quy định khác khiến môi trường kinh doanh, đầu tư không ổn định, chưa kể gây lãng phí cho DN khi số hóa đơn đã đặt in, tự in trước đây phải tiêu hủy... “Việc gì cũng qua cơ quan thuế xét duyệt, cách làm này không giúp tăng nguồn thu ngân sách mà lại gây khó cho sản xuất, làm chậm lưu thông trong nền kinh tế. Để thất thoát thuế là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Vì vậy, Bộ này phải cải tiến quản lý chứ không phải trở lại bắt DN phải làm theo mệnh lệnh hành chính”, GS-TS Thái phân tích. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, quản lý thuế cần phải thực hiện số hóa, chứ không thể thủ công. Trốn thuế thì ở đâu cũng có, nhưng hệ thống giám sát phải đủ chặt chẽ để DN không thể quá lợi dụng kẽ hở. “Ở ta kẽ hở thì nhiều mà năng lực bộ máy thì yếu. Vừa đưa ra chính sách mà thay đổi quá nhanh thì không có nền kinh tế nào thích ứng được. Quy định mới về hóa đơn như vậy là đi ngược lại với thế giới”, TS Thiên nói.
N.Trần Tâm |
TIN TỨC > Tin nội bộ >