Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, về vấn đề kê khai thuế và hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào - bán ra được quy định tại khoản 2 Điều 7; khoản 1, khoản 2 Điều 30 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và khoản 1 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13, thì kể từ ngày 1-7-2007, người nộp thuế (NNT) có nghĩa vụ tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai trên hồ sơ khai thuế của mình; và từ quý IV-2014, NNT nói chung và HTX Thống Nhất nói riêng khi nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) không phải nộp bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào, bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra. Theo quy định pháp luật về thuế, hàng quý cơ quan thuế căn cứ vào tờ khai thuế GTGT và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp (DN) nộp cho cơ quan thuế để giám sát xem xét các hóa đơn đã sử dụng theo báo cáo đã thực hiện thông báo phát hành hóa đơn đúng quy định hay không và theo dõi DN đã nộp thuế đúng, đủ theo kê khai chưa để đôn đốc nộp thuế theo quy định, đề nghị DN giải trình các chỉ tiêu trên tờ khai thuế. Trên cơ sở đó, tháng 3-2017, do HTX Thống Nhất còn nợ thuế nên Chi cục Thuế quận 6 TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của HTX Thống Nhất từ tổ chức tín dụng. Sau khi cưỡng chế, HTX Thống Nhất đã nộp hết số tiền bị cưỡng chế là gần 300 triệu đồng vào NSNN. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi kết thúc năm tài chính, DN phải có trách nhiệm kê khai quyết toán với cơ quan thuế. Để tăng cường công tác quản lý, giám sát việc kê khai thuế của các DN kinh doanh vận tải theo quy định, từ cuối năm 2017, Chi Cục thuế đã mời các đơn vị vận tải đến làm việc; trong đó đã lập biên bản yêu cầu HTX Thống Nhất phải lập hóa đơn (bao gồm cả vé xe) đầy đủ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và phải kê khai thuế đúng, đủ vào NSNN. Qua kiểm tra bước đầu, Chi cục Thuế quận 6 đã xác định một số sai phạm tại HTX Thống Nhất và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ theo thẩm quyền, sau đó cơ quan thuế sẽ tiếp tục xử lý các sai phạm về thuế. Liên quan đến vấn đề quản lý hóa đơn (bao gồm vé xe), Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5; khoản 1 Điều 11 Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì HTX Thống Nhất thuộc đối tượng đặt in hóa đơn (bao gồm vé xe), có thực hiện thông báo phát hành hóa đơn gửi cơ quan thuế trước khi sử dụng và hàng quý có thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định. Hóa đơn (bao gồm vé xe) là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ lập, ghi thông tin bán hàng, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật. Chứng từ kế toán chịu chi phối bởi Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 41 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định thời gian lưu trữ ít nhất là 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Cần làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tiền thuế và gây thất thoát thuế? Với những nội dung trao đổi nêu trên có thể thấy HTX Thống Nhất đã có dấu hiệu hủy hoại chứng từ kế toán. Thực tế, trong quá trình điều tra tìm hiểu thông tin, nhóm phóng viên Thời Nay đã thu thập được hàng chục nghìn liên vé thứ ba (liên lưu lại để làm chứng từ kế toán) tại các quầy vé của HTX Thống Nhất đã được các nhân viên bán vé bỏ đi. Trong đó, phần lớn được xác định là… vé giả. Việc sử dụng vé giả cung cấp cho các nhà xe và hủy bỏ các liên vé thứ ba tại HTX Thống Nhất không chỉ là hành vi trốn thuế mà còn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tiền thuế cho NSNN. Minh chứng là, trong hoạt động vận chuyển xe khách đường dài thì quý IV hằng năm là thời kỳ thấp điểm nhất và theo thống kê của Bến xe Miền Đông quý IV năm 2017 HTX Thống Nhất đã có 921 lượt xe xuất bến, với 29.842 lượt khách mua vé tại bến. Với mức giá vé xe khách của HTX Thống Nhất bán tại Bến xe Miền Đông thì quý IV năm 2017 đạt doanh thu khoảng hơn 7,46 tỷ đồng. Đồng thời, tại Bến xe Miền Tây, quý IV năm 2017, HTX Thống Nhất đã có 3.555 lượt xe xuất bến, có 42.654 lượt khách mua vé tại bến và với giá vé xe khách được tính toán thì HTX Thống Nhất đạt doanh thu khoảng hơn 2,13 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại bảng kê khai thuế quý IV năm 2017 HTX Thống Nhất chỉ kê khai doanh thu từ vé xe khách đạt hơn 90 triệu đồng và nộp hơn chín triệu đồng tiền thuế GTGT. Theo tìm hiểu của phóng viên, hành vi này đã kéo dài nhiều năm, song HTX Thống Nhất vẫn “qua mặt” được cơ quan thuế (?). Trong Văn bản số 165/2018/HTXTN, ngày 1-6-2018, của HTX Thống Nhất gửi báo Thời Nay đã cho rằng: “HTX chỉ bán mỗi cùi (cuốn) vé 50.000 VNĐ đó chỉ là chi phí in ấn, bảo quản... mà thôi. Còn mỗi tháng phải nộp một khoản tiền nhất định từ 1,5 đến 2,3 triệu đồng đầu xe là phí dịch vụ xây dựng luồng tuyến, bến bãi, văn phòng điện nước, điện thoại, các giấy tờ cho xe hoạt động, trả lương nhân viên... không phải là thuế”. Liệu đây có phải là sự bao biện cho việc đã thu thuế của các xã viên và trốn không nộp thuế cho nhà nước? Thực tế, tại nhiều thông báo (nội bộ) và danh sách thu thuế phí HTX gửi cho các đội xe do trực tiếp ông Hồ Văn Hưởng, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất ký đều được ghi thu phí + thuế. Cụ thể, như thông báo thu thuế phí đội CĐ 2 (cố định) năm 2017 về việc thay đổi mức cũ từ năm 2013 sang mức thu thuế phí mới năm 2017 của 22 xã viên. Theo đó, tuyến An Khê được thay đổi từ 1,742 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/xe; tuyến Eakar từ 1,842 triệu đồng lên hai triệu đồng/xe. Ngay như Thông báo số 84/2018/HTXTN, ngày 28-3-2018, gửi các đội xe trong HTX, bộ phận tài vụ về việc nộp tiền thuế và dịch vụ hóa đơn của ông Hồ Văn Hưởng ký, ghi rõ “Để bộ phận kế toán tài vụ cập nhật thuế và phí dịch vụ hóa đơn 12% kịp thời và có chi phí sử dụng trong hoạt động HTX. Nay yêu cầu các đội xe quyết toán tiền thuế + phí hóa đơn thu được của xã viên vào chiều thứ sáu trong tuần”. Đặc biệt, sau khi báo Thời Nay có loạt bài phản ánh về tình trạng sử dụng vé giả và trốn thuế của HTX Thống Nhất, ngày 30-5-2018 HTX Thống Nhất đã có thông báo về việc thu phí dịch vụ HTX và danh sách thu phí đội xe số 2 (gồm 13 tuyến). Theo cách tính mới này thì tổng số tiền thu phí dịch vụ và thuế của các xã viên có xe hoạt động trên các tuyến đường này đã tăng đột biến. Cụ thể, tuyến An Khê chỉ tính tiền HTX Thống Nhất thu về hằng tháng (dự kiến) là 9,3 triệu đồng thay vì 1,85 triệu đồng/xe trước đây; Tuyến Eakar hằng tháng sẽ phả nộp sáu triệu đồng/xe. Tại ghi chú của HTX Thống Nhất, về cách tính thuế (thí dụ) một xe chạy Ngọc Hồi giá vé 300.000 đồng/vé sử dụng 100 vé trong tháng tổng doanh thu là 30 triệu đồng, nộp GTGT 10% là ba triệu đồng, ngoài ra còn thuế Thu nhập cá nhân chưa tính, khi Chi cục Thuế tính sẽ báo lại; nếu chạy một tháng ba cùi vé (300 vé) thì nộp thuế là chín triệu đồng. Như vậy, nếu tính đúng theo như quy định mới của HTX Thống Nhất thì cả hàng chục năm nay (kể từ khi hoạt động theo Luật HTX mới) đã gây thất thoát bao nhiêu tiền thuế cho NSNN? Điều này cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ! |
TIN TỨC > Tin nội bộ >